(VTC News) – Nhân danh bênh vực người nghèo, bằng phản ứng đầy hận thù, người ta đã biến 'thượng sỹ quật ngã người bán hàng rong' thành tội đồ nhưng quên mất rằng sự nhân danh và phản ứng ấy đang đẩy xã hội tới chỗ vô luật pháp.
Thượng sỹ thành tội đồ
Chắc gì đã ai xem cho trọn vẹn clip thượng sỹ công an quật ngã người bán hàng rong vì vi phạm pháp luật, có khi chỉ đọc “caption” kêu như chuông đánh bên tai: “cảnh sát đánh dân đến chấn thương sọ não” là đủ cuồng nộ mà chia sẻ hắp các trang mạng và diễn đàn.
Mấy người đã đọc đầy đủ diễn biến sự việc, để tường tận ai đúng, ai sai, hay chỉ nhìn cái tít kiểu người thực thi luật pháp 'xuống tay' với dân thường là bừng bừng căm phẫn như muốn lao vào 'ăn tươi nuốt sống' người thượng sỹ kia cho hả cơn giận?
Thay cho việc đọc những dòng thông tin cập nhật ngay sau clip phản ánh, là đủ sự suy diễn giết chết không thương tiếc nhân cách của một con người trên facebook, nào là “người bán hàng rong chưa nộp tiền bảo kê nên bị đánh dã man”, nào là “chỗ đó không phải địa bàn “thằng” công an được phân công nhưng tranh thủ vòi vĩnh thêm”, “công an mà đánh người phải cho tù mọt gông?”…
Chưa bao giờ, nhân cách của con người bị mang ra bán nước bọt với giá rẻ mạt như bây giờ, một câu quăng lên mạng là xong. Và ai cũng có quyền phán xét, bình phẩm, không trừ một ai.
|
Thế nhưng, tôi tin rằng, chẳng nhiều người biết thượng sỹ công an đã bị đình chỉ công tác, đã lặng lẽ vào bệnh viện chăm sóc người bán hàng rong, đã đóng đầy đủ viện phí, gửi lời xin lỗi và ân hận day dứt vì sự nóng giận của bản thân. Mà họ vẫn đang miệt mài đầy hứng thú trả lời từng dòng 'comment' giận giữ ngút trời.
Và dù đã nỗ lực hết sức để sửa sai, thượng sỹ công an vẫn bị người bán hàng rong quyết tố cáo, kiện tới cùng, vì 'không muốn ai bị công an đánh như tôi'. Vậy thì giờ, đâu là kẻ yếu, đâu là người cần sự đồng cảm và cần cách hành xử duy tình? Sau lưng người bán hàng rong là cả gia đình? Vậy sau lưng người thượng sỹ không lẽ không có cả gia đình? Đã có ai đặt câu hỏi, biết đâu anh cảnh sát kia còn có hoàn cảnh đáng thương hơn nạn nhân của anh ta?
Một điều chắc chắn, anh ta đang bị đẩy đến sự hoang mang cùng cực: Bị đình chỉ công tác, ngày ngày túc trực bên giường bệnh nạn nhân của mình. Chính thượng sỹ cảnh sát này nói với báo chí rằng anh ta nhận được nhiều tin nhắn doạ giết mỗi ngày. Anh ta đã trở thành kẻ tội đồ trong mắt người đời, có đi làm trở lại chắc cũng không yên được.
Đám đông kiêu hãnh hay đám đông mù quáng?
Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể 'đánh mất chính mình'.
Xem video thượng sỹ công an quật ngã người bán hàng rong tại ĐÂY.
Đám đông đang hừng hực khí thế mạt sát thượng sỹ công an và xót thương người bán hàng rong đang kiêu hãnh về sự chiến thắng của phe yếu, hay đang a dua mù quáng tung hô sự hỗn loạn, vô luật pháp của xã hội?
Con người đã phải mất hơn 5 triệu năm để đứng thẳng, giao tiếp, sống văn minh và xây dựng trật tự xã hội trong chừng mực nề nếp nhất định, mà còn chưa thể nói, đó là mô hình hoàn hảo. Vậy mà chúng ta – nhân danh đám đông bênh vực người nghèo, kẻ yếu lại tiếp tay cho việc đi lùi, kéo con người trở lại sự vô tổ chức, vô kỷ luật.
Đành rằng sọt hoa quả đó là nghề kiếm sống, là kế sinh nhai, là nồi cơm của cả một gia đình hay tương lai của những thế hệ con cái họ, nhưng không lẽ cả xã hội này phải chấp nhận nhắm mắt làm ngơ để họ sẵn sàng làm bậy, chà đạp lên pháp luật, tạo nên sự nhếch nhác, bẩn thỉu, nguy hiểm của đô thị?
Và đặc biệt là chính họ đã tích cực tạo nên bức tranh giao thông hết sức nguy hiểm cho người đi đường và thậm chí cho chính những người đang kêu gào bênh vực họ chằm chặp không cần biết phải trái đúng sai.
Người ta cố tình vứt bỏ sự tỉnh táo của lý trí, lờ đi việc người bán hàng rong đã vi phạm pháp luật hiện hành. Điều đáng nói, lỗi này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, và người bán hàng rong, đã, đang tiếp tục vi phạm, góp phần đáng kể tạo nên sự nhếch nhác, bẩn thỉu, vô tổ chức, vô kỷ cương kỷ luật và mất an toàn giao thông của đô thị.
Có trách, phải trách việc cả người thực thi pháp luật lẫn người vi phạm pháp luật từ trước tới nay, đã xây dựng thói quen ăn sâu vào nếp nghĩ: Đó là đôi co, lằng nhằng xin xỏ, coi pháp luật là cái chợ để mặc cả thêm bớt từng đồng tiền phạt.
Mối lo xã hội vô luật pháp
Một xã hội thương người nghèo là một xã hội nhân bản, nhưng bênh vực cho người nghèo làm sai là sự ngu dốt, mông muội.
Tôi có đọc được ở đâu đó câu này, đại ý: Một xã hội thương người nghèo là một xã hội nhân bản, nhưng bênh vực cho người nghèo làm sai là sự ngu dốt, mông muội.
Không bênh vực thượng sỹ công an hay cổ vũ cho những hành động thái quá của những người thực thi pháp luật. Nhưng ngay cả khi chưa có kết luận cuối cùng về sự việc được dư luận truyền tay nhau là “công an đánh dân đến chấn thương sọ não”, thì chắc chắn những áp lực mà thượng sỹ công an, và những người làm công việc như anh phải chịu sẽ là rất lớn.
Những người thực thi pháp luật có chùn tay không, khi công việc thường ngày vốn dĩ đã chịu sự giám sát chặt chẽ của cả xã hội, giờ lại nơm nớp lo lỡ mình lớn giọng thì sẽ trở thành 'chửi dân', phản ứng với người chống đối là 'đánh dân'.
Cùng là con người, sao lại bắt người khác là thánh nhân để luôn điềm tĩnh khi chính sức khỏe, tính mạng mình bị đe dọa, và trong quyền hạn cho phép, họ hoàn toàn có quyền đó.
Phía trước toà nhà cơ quan tôi, những người bán hàng rong nhộn nhịp từ sáng đến tối, khi công sở đã tan hết. Họ ngang nhiên dựng xe và sạp hàng trái cây tràn ra lòng đường chật hẹp. Vỉa hè đã bị những nhà mặt đường "cướp" trắng trợn hết sạch, mỗi khi muốn đi khỏi đoạn này, chúng tôi chỉ còn nước bước ra giữa đường, có thể bị xe tải cán chết bất cứ lúc nào.
Vậy mà ngay cả khi đường tắc cứng, đoàn người không thể nhúc nhích, họ vẫn không chùn bước, điềm nhiên đứng đó bán hàng như không hề có chuyện gì xảy ra.
Khi tôi hỏi một anh công an phường vì sao mà cái chợ nhếch nhác, hết sức nguy hiểm cho người đi đường này tồn tại bao nhiêu năm nay mà không dẹp được, anh ta chép miệng: "Chưa dẹp được họ, mình đã bị kỷ luật, có khi mất việc. Do sức ép dư luận bảo vệ người nghèo cả. Tốt nhất là mặc kệ. Bênh chằm chặp thì phải chịu sống chung với nhếch nhác, nguy hiểm thôi."
Qua những gì đã chứng kiến, tôi rất hiểu điều anh công an phường nói. Chỉ cần một hành động sơ suất, nóng giận giật cái xe kia và sạp trái cây lăn lóc ra đường, lập tức những hình ảnh đó sẽ xuất hiện facebook, thậm chí trên báo. Đám đông -nhân danh bênh vực người nghèo, kẻ yếu - lại lao đến la ó, chửi bới, thoá mạ, thậm chí 'truy sát' đến cùng, gây sức ép buộc cấp trên kỷ luật 'kẻ tội đồ'. Anh công an phường thừa hiểu: motif quen thuộc rồi, đây không dại mà dây vào.
Như thế, liệu anh ta có dám thực hiện đúng chức trách của mình? Những hành xử bừa bãi, vô luật pháp từ đó cứ ngày càng phổ biến trước sự làm ngơ của những người được giao thực thi pháp luật.
Chúng ta nhân danh đám đông hô hào lòng thương người, nhưng lại truy cùng giết tận người này để bênh vực người khác, và triệt hạ sự tồn tại của lòng tốt, của việc đưa xã hội về sự ngăn nắp hơn. Đó là sự nhân văn hay mù quáng?
Video gia đình người bán hàng rong bị công an quật ngã chưa chấp nhận lời xin lỗi tại ĐÂY.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét